Hợp Tác Xã Là Gì?

Ngày đăng: 20/02/2024 12:12 PM

    Nếu bạn đang muốn tìm hiểu kỹ hơn về hợp tác xã là gì? Đặc điểm, điều kiện để trở thành thành viên của hợp tác xã như thế nào? Tất cả sẽ được ATS Consulting giải đáp chi tiết trong bài viết sau. Theo dõi ngay nhé!

     

    Ngày nay, hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể đã không còn quá xa lạ đối với người dân Việt Nam. Nhưng không phải ai cũng hiểu rõ hợp tác xã là gì dưới góc độ pháp lý và đặc điểm của nó.

     

    Bài viết này, ATS Consulting sẽ giúp bạn đi tìm hiểu rõ hơn khái niệm, đặc điểm, điều kiện làm thành viên hợp tác xã là gì? Cùng tham khảo ngay dưới đây.

    Hợp tác xã là gì?

    hop tac xa la gi

    Hợp tác xã là một hiệp hội/tổ chức tự chủ của một nhóm cá nhân liên kết với nhau một cách tự nguyện nhằm đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng chung về hoạt động sản xuất, kinh doanh, xã hội và văn hóa thông qua một doanh nghiệp đồng sở hữu và kiểm soát dân chủ, công bằng.

     

    Để hiểu rõ hơn về hợp tác xã là gì, bạn có thể tham khảo Luật Hợp tác xã 2012. Trong đó nêu rõ, hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu và có tư cách pháp nhân. 

     

    Thông thường, hợp tác xã sẽ do tối thiểu 7 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác, tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhằm tạo ra việc làm, đáp ứng tốt mọi nhu cầu chung của các thành viên, dựa trên cơ sở bình đẳng, tự chủ, tự chịu trách nhiệm và dân chủ trong vấn đề quản lý.

    Đặc điểm của hợp tác xã

    Đặc điểm của hợp tác xã là gì? Căn cứ vào định nghĩa ở phần trên, chúng ta có thể thấy hợp tác xã có những đặc điểm như sau:

    Hợp tác xã là một tổ chức kinh tế tập thể

    Hợp tác xã một tổ chức kinh tế tập thể với các thành viên có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Tài sản, vốn và tư liệu sản xuất được hình thành chủ yếu nhờ sự đóng góp của các thành viên khi họ gia nhập.

     

    Trong hợp tác xã luôn có sự liên kết rộng rãi của những người lao động, hộ thành viên, nhà đầu tư, các doanh nghiệp nhỏ và vừa... thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Sự liên kết này hoàn toàn không bị giới hạn bởi các thành viên, lĩnh vực, quy mô, địa bàn sản xuất kinh doanh.

     

    Bên cạnh các thành viên là cá nhân, các hộ gia đình/tổ chức/doanh nghiệp khác cũng có thể được kết nạp làm thành viên của hợp tác xã.

    Hợp tác xã là tổ chức kinh tế mang tính xã hội, nhân văn

    hop tac xa la to chuc kinh te mang tinh xa hoi nhan van

     

    Tính xã hội và nhân văn của hợp tác xã được thể hiện rõ ràng trong nguyên tắc tổ chức và hoạt động. Chính là bình đẳng, tự nguyện, quản lý dân chủ và cùng có lợi. Hợp tác xã thực hiện những công việc giúp đã, hỗ trợ cho thành viên trong việc sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ, giúp cải thiện đời sống, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.

     

    Mục tiêu hoạt động mà hợp tác xã luôn hướng tới không chỉ có lợi nhuận, lợi ích kinh tế mà còn là việc cải thiện đời sống tinh thần, nâng cao trình độ văn hóa, năng lực của các thành viên, đảm bảo vấn đề an sinh xã hội.

    Hợp tác xã có tư cách pháp nhân

    Hợp tác xã hội tụ đầy đủ 4 dấu hiệu để được công nhân là tổ chức có tư cách pháp nhân theo Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:

    • Hợp tác xã được thành lập hợp pháp, đăng ký kinh doanh tại UBND cấp huyện và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
    • Hợp tác xã có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;
    • Hợp tác xã có tài sản độc lập với các xã viên và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính khác;
    • Hợp tác xã cũng có thể nhân danh mình để tham gia các quan hệ pháp luật độc lập như ký hợp đồng, giao dịch, đấu thầu...

    Hợp tác xã hoạt động theo nguyên tắc tự chủ

    Các hợp tác xã có tư cách pháp nhân, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc hoạch định, lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh và làm dịch vụ.

     

    Hợp tác xã cũng có quyền chủ động trong việc huy động vốn, ký kết các hợp đồng kinh tế, tự chịu trách nhiệm với các khoản nợ, kết nạp và khai trừ thành viên...

     

    Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có thể giúp đỡ, hỗ trợ cho hợp tác xã về vật chất, tinh thần nhưng không chịu trách nhiệm thay cho hợp tác xã.

     

    Quyền tự chủ của hợp tác xã được thể hiện thông qua các quyền cơ bản như:

    • Thực hiện mục tiêu hoạt động của hợp tác xã;
    • Tự chủ, tự chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trong hoạt động của mình;
    • Thuê và sử dụng lao động;
    • Tiến hành sản xuất, kinh doanh;
    • Cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ ra thị trường;
    • Kết nạp hoặc chấm dứt tư cách xã viên;
    • Tăng, giảm vốn điều lệ;
    • Góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp;
    • Phân phối thu nhập, xử lý các khoản nợ, khoản lỗ...

    Ngoài ra, nghĩa vụ tự chịu trách nhiệm của hợp tác xã thường thể hiện qua:

    • Hoạt động đúng với ngành, nghề đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền;
    • Thực hiện đúng quy định pháp luật về thuế, kế toán, thống kê, kiểm toán...
    • Quản lý và sử dụng đất, các nguồn tài nguyên khác của Nhà nước giao hoặc cho thuê theo đúng quy định;
    • Ký kết và thực hiện hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động;
    • Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định.

    Hợp tác xã phân phối thu nhập cho xã viên theo vốn góp và mức độ sử dụng dịch vụ

    Nguồn vốn cơ bản và chủ yêu phục vụ cho hoạt động kinh doanh của hợp tác xã do các thành viên đóng góp khi gia nhập. Bởi lẽ đó, thành viên đóng góp nhiều vốn vào hợp tác xã đương nhiên được phân phối thu nhập nhiều hơn so với những thành viên đóng góp ít vốn.

     

    Trên thực tế có nhiều loại hình hợp tác xã khác nhau, mỗi hợp tác xã sẽ có mức phân chia thu nhập riêng.

    Điều kiện làm thành viên hợp tác xã

    dieu kien lam thanh vien hop tac xa

     

    Nếu bạn muốn gia nhập hợp tác xã, trở thành một thành viên hợp tác xã thì cần đáp ứng các điều kiện sau:

    • Nếu là cá nhân thì phải đủ 18 tuổi, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;
    • Hộ gia đình thì có người đại diện hợp pháp. Còn đối với cơ quan, tổ chức thì là pháp nhân Việt Nam.
    • Có nhu cầu hợp tác với các xã viên cũng như nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã;
    • Viết đơn tự nguyện gia nhập và tán thành điều lệ hợp tác xã đưa ra;
    • Góp vốn theo quy định;
    • Thực hiện các điều kiện khác theo Điều 13 Luật Hợp tác xã 2012.

    Khi nào chấm dứt tư cách thành viên hợp tác xã

    Bên cạnh vấn đề hợp tác xã là gì? Chắc hẳn cũng có nhiều bạn băn khoăn khi nào chấm dứt tư cách thành viên của hợp tác xã? Chi tiết như sau:

    • Thành viên là cá nhân chết hoặc bị tòa án tuyến bố đã chết, mất tích hoặc bị hạn chế, mất năng lực hành vi dân sự, bị kết án tù.
    • Thành viên là hộ gia đình không có người đại diện hợp pháp theo quy định;
    • Thành viên là pháp nhân bị phá sản, giải thể;
    • Hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã bị phá sản, giải thể;
    • Hợp tác xã bị giải thể;
    • Thành viên tự nguyện xin ra khỏi hợp tác xã;
    • Thành viên bị khai trừ theo quy định;
    • Thành viên không sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã trong thời gian liên tục theo quy định, không quá 03 năm. Đối với hợp tác xã tạo việc làm, thành viên không làm việc trong thời gian liên tục theo quy định, không quá 02 năm.
    • Tại thời điểm cam kết góp đủ vốn, thành viên không thực hiện đúng cam kết hoặc góp ít hơn;
    • Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

    >>> XEM THÊM:

    Trên đây là một số thông tin hữu ích giúp bạn hiểu rõ hơn về hợp tác xã là gì? Mọi thắc mắc liên quan đến tổ chức kinh tế này hoặc bạn cần tư vấn chi tiết về điều kiện thành lập hoặc các vấn đề liên quan, vui lòng liên hệ ngay với ATS Consulting để được hỗ trợ tốt nhất.