Để bảo đảm cuộc sống ổn định cho bản thân khi gặp những khó khăn tài chính lúc về già hoặc gặp vấn đề sức khỏe, bạn nên chủ động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Vậy bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì? ATS Consulting sẽ giải thích chi tiết cho bạn trong nội dung được chia sẻ dưới đây. Hãy tham khảo ngay nhé!
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì?
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là chương trình do Nhà nước tổ chức mà người tham gia có thể tự chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với điều kiện kinh tế của bản thân, mang lại những quyền lợi trước những rủi ro về tài chính khi về già hoặc mất khả năng lao động.
Lợi ích khi tham gia
Những lợi ích khi tham gia loại hình bảo hiểm này là:
- Hưởng lương hưu hàng tháng: mức lương được tính theo mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH, điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế.
- Cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế: trong suốt thời gian hưởng lương hưu tại các cơ sở y tế công lập.
- Được Nhà nước hỗ trợ: một phần kinh phí khi tham gia BHXH tự nguyện, mức chi trả phụ thuộc vào mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn trong thời gian tối đa 10 năm;
- Trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất khi chết: người lo mai táng sẽ nhận được một khoản trợ cấp bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người tham gia chết. Thân nhân của người tham gia cũng nhận được trợ cấp tuất một lần tính theo số năm đã đóng BHXH (mỗi năm được 1,5 - 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH)
- Hưởng bảo hiểm xã hội một lần: đối với các trường hợp đặc biệt như ngừng tham gia, định cư nước ngoài, mắc bệnh hiểm nghèo. Mức hưởng được tính theo số năm đã đóng BHXH.
Điều kiện tham gia
Những điều kiện để tham gia BHXH tự nguyện là:
- Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên;
- Không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc;
- Có nhu cầu và khả năng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Đối tượng tham gia
Các đối tượng có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là:
- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động dưới 1 tháng;
- Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, bản, sóc, làng, tổ dân phố, khu, khu phố;
- Người lao động giúp việc gia đình;
- Người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương;
- Xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
- Người nông dân, người lao động tự tạo việc làm;
- Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu;
- Người tham gia khác đáp ứng đủ điều kiện.
Các chế độ mà người tham gia BHXH tự nguyện được nhận
Theo Khoản 2 Điều 4, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được nhận 2 chế độ hưu trí và tử tuất. Mặc dù quyền lợi ít hơn BHXH bắt buộc nhưng cũng mang lại một số lợi ích như:
- Mức đóng và phương thức đóng linh hoạt;
- Giúp người không đủ điều kiện tham gia BHXH bắt buộc có thể tiếp tục đóng bảo hiểm để hưởng lương khi về già.
Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Căn cứ theo Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mức đóng BHXH TNV được quy định như sau:
- Mức đóng:
- Người tham gia đóng 22% mức thu nhập tháng đã lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất;
- Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở;
- Phương thức đóng:
- Mỗi tháng;
- 3 tháng/ lần;
- 6 tháng/ lần;
- 12 tháng/ lần;
- Đóng 1 lần cho nhiều năm về sau với mức thấp hơn mức đóng hằng tháng hoặc 1 lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn mức đóng hằng tháng theo quy định;
- Công thức tính mức đóng:
Mức đóng = 22% x Mức thu nhập chọn đóng BHXH tự nguyện - Mức nhà nước hỗ trợ đóng
Trong đó:
- Thấp nhất = Mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn (1.5 triệu đồng/ tháng năm 2023).
- Cao nhất = 20 x Mức lương cơ sở.
- Mức Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện: được tính theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn trong thời gian tối đa 10 năm:
Đối tượng |
Mức đóng thấp nhất hàng tháng Nhà nước chưa hỗ trợ |
Phần trăm Nhà nước hỗ trợ |
Số tiền hỗ trợ năm Nhà nước hỗ trợ hàng tháng |
Mức đóng thấp nhất hàng tháng sau khi Nhà nước hỗ trợ |
Người thuộc hộ nghèo |
330.000đ |
30% |
99.000đ |
231.000đ |
Người thuộc hộ cận nghèo |
330.000đ |
25% |
82.500đ |
247.500đ |
Người thuộc đối tượng khác |
330.000đ |
10% |
33.000đ |
297.000đ |
Mức hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Chương IV, Luật BHXH Việt Nam 2014 quy định về mức hưởng BHXH tự nguyện như sau:
Mức hưởng chế độ hưu trí
Mức hưởng lương hưu hàng tháng bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng BHXH, trong đó:
- Lao động nam:
- Nghỉ hưu năm 2018: 16 năm;
- Nghỉ hưu năm 2019: 17 năm;
- Nghỉ hưu năm 2020: 18 năm;
- Nghỉ hưu năm 2021: 19 năm;
- Nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi: 20 năm.
- Lao động nữ:
- Nghỉ hưu từ năm 2018 đến 2023: 15 năm;
- Nghỉ hưu từ năm 2024 trở đi: 20 năm.
*Lưu ý:
- Tỷ lệ hưởng lương hưu được tính thêm 2% mỗi năm, mức tối đa là 75%;
- Người tham gia BHXH từ đủ 20 năm trở lên sẽ được hưởng chế độ hưu trí, không phân biệt hình thức tham gia;
- Cá nhân tham gia BHXH bắt buộc chưa đủ 20 năm khi đến tuổi hưu có thể tiếp tục đóng BHXH tự nguyện đến đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Mức hưởng lương hưu hằng tháng
Theo Điều 3 Nghị định 134/2015/NĐ-CP, mức lương hưu hàng tháng được tính theo công thức:
Lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng x Bình quân thu nhập tháng đóng BHXH
Nhận tiền trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu
Theo khoản 2 Điều 74 Luật BHXH 2014, Mỗi năm người tham gia BHXH tự nguyện đóng cao hơn số năm tương ứng tỷ lệ hưởng lương hưu 75% được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
Rút bảo hiểm xã hội 1 lần
Mức hưởng BHXH 1 lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cụ thể như sau:
- Đối với những năm đóng trước năm 2014: 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH;
- Đối với những năm đóng từ năm 2014 trở đi: 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH;
- Trường hợp đóng BHXH chưa đủ 1 năm: mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, tối đa bằng 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
Mức hưởng chế độ tử tuất
Các khoản trợ cấp chế độ tử tuất bao gồm:
- Trợ cấp mai táng: 10 lần mức lương cơ sở dành cho người đóng BHXH từ đủ 60 tháng trở lên hoặc đang hưởng lương hưu;
- Trợ cấp tuất:
- Thân nhân của người đang đóng hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH có mức trợ cấp:
- 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH (đóng trước năm 2014);
- 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH (đóng từ năm 2014 trở đi).
- Mức tối đa: 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH (nếu đóng chưa đủ 1 năm).
- Mức tối thiểu: 3 tháng mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH (nếu tham gia cả BHXH bắt buộc và tự nguyện).
- Thân nhân của người đang hưởng lương hưu:
- Mức trợ cấp: 48 tháng lương hưu đang hưởng nếu người lao động chết trong 2 tháng đầu hưởng lương hưu;
- Giảm dần 0,5 tháng lương hưu cho mỗi tháng tiếp theo nếu NLĐ chết sau 2 tháng đầu hưởng lương hưu.
- Thân nhân của người đang đóng hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH có mức trợ cấp:
Đóng BHXH tự nguyện có được hưởng chế độ thai sản không?
Người tham gia BHXH tự nguyện không được hưởng chế độ thai sản vì BHXH tự nguyện chỉ bao gồm 2 chế độ chính là hưu trí và tử tuất.
Để được hưởng chế độ thai sản, cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Tham gia BHXH bắt buộc: là NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên, hoặc cán bộ, công chức, viên chức, hoặc người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
- Đã đóng BHXH đầy đủ: đã đóng BHXH từ 6 tháng trở lên trong 12 tháng liên tục hoặc không liên tục trước khi nghỉ sinh;
- Nghỉ sinh theo quy định: phải nghỉ sinh theo quy định của pháp luật về lao động.
Cách dừng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Nghị định 134/2015/NĐ-CP, người tham gia BHXH TNV có quyền tạm dừng đóng khi gặp khó khăn về tài chính hoặc không còn nhu cầu tham gia.
Quy trình tạm dừng đóng BHXH tự nguyện bao gồm các bước:
- Bước 1: Viết đơn xin tạm dừng đóng BHXH tự nguyện gửi cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đăng ký tham gia, ghi rõ lý do, thời gian và số tháng đã đóng BHXH tự nguyện;
- Bước 2: Nộp đơn xin tạm dừng đóng BHXH tự nguyện và sổ BHXH tự nguyện (nếu có) cho cơ quan trên;
- Bước 3: Nhận giấy chứng nhận tạm dừng đóng BHXH tự nguyện, trong giấy ghi rõ thời gian tạm dừng và thời gian được phép tiếp tục đóng.
*Lưu ý:
- Thời gian tạm dừng không được tính vào thời gian đóng BHXH để hưởng quyền lợi;
- Trong thời gian tạm dừng không được hưởng các chế độ bảo hiểm;
- Sau khi hết thời gian tạm dừng hoặc khi có đủ khả năng, có thể tiếp tục tham gia bằng cách nộp đơn xin tiếp tục đóng kèm theo Giấy chứng nhận tạm dừng và Sổ BHXH tự nguyện (nếu có). Ngoài ra cần chọn lại mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH và phương thức đóng.
>>> XEM THÊM:
- Cách Tính Bảo Hiểm Thất Nghiệp Chính Xác Nhất
- Sổ Bảo Hiểm Xã Hội Là Gì? Thông Tin Có Trên BHXH
- Bảo Hiểm Xã Hội Thất Nghiệp Là Gì? Điều Kiện, Mức Hưởng
Vậy là ATS Consulting vừa giúp bạn giải đáp thắc mắc bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì thông qua nội dung trên. Đừng quên theo dõi website của chúng tôi thường xuyên để biết thêm nhiều thông tin bổ ích khác.